Bình luận hay

  • Trần Thị Thu Hoài:

    “Đừng bao giờ đi ăn một mình” – tựa đề sách nghe chừng có vẻ hài hước và dành cho dân FA. Lần đầu tiên tôi bắt gặp quyển sách này đã cách đấy 4 năm. Lúc đó mới chân ướt chân ráo lên học đại học, và được tiếp cận với tủ sách của ông anh họ. Tựa đề cuốn sách này khiến tôi liên tưởng đến những mẩu truyện hài hước, nhưng với độ dày 400 trang, nó đã khiến tôi ngủ gục sau khi đọc được hơn 2 mặt giấy. Khi công ty thành lập thư viện sách, thú thực là vì chậm chân, không mượn được mấy đầu sách hot như Tony buổi sáng, hay Hạt giống tâm hồn nên tôi mới quyết định lựa cuốn “Never eat alone” để hoàn thành nốt quyển sách bỏ dở đã mấy năm trời.

    Không giống như hàng trăm đầu sách về giao tiếp, kinh doanh khác, tác giả Keith Ferrazi kể lại câu chuyện lập thân lập nghiệp của mình để đưa ra những bài học về giao tiếp, kết nối và xây dựng mạng lưới quan hệ xã hội. Từ đó, ông giúp người đọc hình dung ra những bước cần thiết để xây dựng cuộc sống – sự nghiệp vững vàng.

    Như tựa đề cuốn sách, bài học “ Never eat alone” là mấu chốt của các mỗi quan hệ xã hội. Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “buôn có hội, bán có phường”. Trong cuộc sống không ai có thể sống  mà không có những mối liên hệ xã hội thân sơ. Và con người ta thường thân thiện và dễ cởi mở nhất trong lúc ăn uống. Cách tốt nhất để cải thiện một mối quan hệ xã hội, đó là hãy cùng ăn một bữa cơm, cùng uống một tách café. Tất nhiên, những câu chuyện phiếm trong lúc ăn uống sẽ là người ta cảm thấy thoải mái với nhau hơn là những cuộc họp, những con số trong văn phòng. Cuốn sách đã khiến tôi nhận ra nhiều điều, những điều tưởng chừng đơn thuần, dĩ nhiên nhưng không phải ai cũng có thể lí giải. Ví dụ như, lí do tại sao nhân viên mới đi làm lại được đón chào bằng một bữa ăn, tại sao các công ty lớn lại thường có những buổi picnic định kỳ, hay tổ chức những buổi sinh nhật chung, liên hoan … Đó là lúc để kết nối, tạo dựng quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp. Công sở là nơi làm việc, nên chỉ có thời gian nghỉ trưa hay những bữa ăn chung với đồng nghiệp mọi người mới có thể trò chuyện giao lưu và thân thiết với nhau hơn. Hãy tưởng tượng xem, nếu bữa trưa nào bạn cũng chỉ ăn một mình thì cuộc sống công sở của bạn sẽ trở nên tẻ nhạt đến mức nào?

    Mở rộng ra hơn nữa, những mối quan hệ xã hội khác cũng cần được nuôi dưỡng bởi “ những bữa ăn”. Tình cờ gặp một người rất thú vị ở bến tàu, hẹn nhau ăn cùng 1 bữa cơm, mối quan hệ có thể tiến triển thân thiết hơn. Phần lớn thời gian hẹn hò của các cặp đôi là “đi ăn”. Trong bữa ăn, con người ta sẽ bộc lộ chân thực nhất tính cách và bản chất của mình. Vì vậy trong bữa ăn, đừng chỉ chú ý đến đồ ăn, hãy trò chuyện và tìm hiểu người ngồi cùng bàn với mình.

    Nếu bắt buộc phải đi ăn một mình, hãy quan sát những người trong quán, hỏi thăm anh chủ quán hay cô phục vụ bàn một câu. Biết đâu bạn sẽ trở thành khách hàng quen và sẽ được ưu đãi trong nhiều lần tiếp theo.

    Vị trí xã hội và kiến thức của mỗi người là kết quả của kinh nghiệm, ý tưởng và nỗ lực của bạn. Nhưng bạn sẽ chẳng thể có gì nếu như không có những mối quan hệ, những kết nối trong suốt cuộc đời mình. Điểm mấu chốt là con người và khả năng kết nối của họ. Không ai có thể làm một mình, hãy kết nối và chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Đừng bao giờ lựa chọn đi ăn một mình! Sự kết nối là chìa khóa của thành công. 

  • Nguyễn Thu Thảo:

    “Ai lấy miếng pho mat của tôi” với tôi là một cuốn sách có tựa đề không có gì hấp dẫn nhưng tôi chọn đọc vì 2 lí do: Lý do thứ nhất cuốn sách được một người bạn tôi tin tưởng giới thiệu mua. Lý do thứ hai rất đơn giản vì cuốn sách khá mỏng, đối với một người rất ít, đúng ra là không có thói quen đọc sách như tôi có thể đọc hết trước khi mất kiên nhẫn và quyết định không đọc nữa.

    Ngày đầu tiên, tôi đã gấp sách sau hơn chục trang đầu đọc về lời giới thiệu của tác giả và lời giới thiệu 4 nhân vật, nếu bạn là một người như tôi, bạn có thể thấy 4 nhân vật cũng không hấp dẫn hơn tựa đề cuốn sách là mấy. Hơn 1 tuần lễ, tôi gần như quên hẳn về việc mình còn một cuốn sách đang đọc dở, tôi không đọc thêm một trang sách nào.

    Nhưng đến một ngày, tôi quyết định đọc tiếp, vì một ý nghĩ cũng khá đơn giản: tôi muốn thử một lần thay đổi thói quen mà suốt bao lâu nay tôi không có, thói quen đọc sách. Bạn biết không, lần này tôi đã đọc một mạch và hết cả cuốn sách. Và đương nhiên, vì cuốn sách khá mỏng nữa. Nhưng một cuốn sách dù mỏng đến đâu, nếu bạn không có động lực hoặc bạn không tìm thấy điều hấp dẫn thú vị trong cuốn sách, có lẽ không bao giờ bạn đọc hết nó.

    Điều gì làm cuốn sách nhỏ và mỏng kia được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và tái bản nhiều lần ở nhiều quốc gia trên thế giới? Với tôi, có lẽ vì cuốn sách với 4 nhân vật nhưng bất kì ai đọc cũng có thể tìm thấy chính bản thân mình trong đó: U Lì, Nhanh Nhẹn, Chậm Chạp và Đánh Hơi. Cuốn sách là một câu chuyện đơn giản, dễ hiểu nhưng chứa đựng ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất tôi cảm nhận được là một câu nói mà tôi cũng đã từng được nghe: “Trên thế giới có một điều duy nhất không bao giờ thay đổi, đó là sự thay đổi”. Sẽ không có gì là mãi mãi, mọi chuyện, mọi vật, con người, công việc, tình cảm, sũy nghĩ, tất cả rồi sẽ thay đổi theo thời gian. Nếu bạn nghĩ là mình không có gì thay đổi, tôi nghĩ thật ra bạn đã thay đổi nhưng theo chiều hướng xấu đi, nên bạn không nhận ra sự thay đổi đó hoặc bạn quá cố chấp bảo thủ để nhìn vào sự thật là mọi thứ xung quanh bạn và chính bạn đã thay đổi, bạn đang tụt lại đằng sau.

    Đọc cuốn sách tôi thấy mình giống nhân vật Chậm Chạp: tôi sợ sự thay đổi, tôi không muốn thay đổi, tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi, nhiều lý do để biện minh cho mình, để không tin vào sự thay đổi, tôi suy nghĩ sự thay đổi theo một chiều hướng tiêu cực, tôi làm nhiều việc chống lại nó. Nhưng bây giờ tôi cũng nhận ra, tôi ngày hôm nay đã thay đổi rất nhiều, thay đổi theo hướng tích cực có, nhưng hướng tiêu cực thì cũng không hề ít. Nhưng cũng như nhân vật Chậm Chạp, muộn còn hơn không các bạn ạ, nếu lần đầu bạn đã nhận ra và hành động muộn, chúng ta hãy rút kinh nghiệm ở những lần sau: luôn luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, những thay đổi ở vị trí của một người chủ động, đón nhận nó với một thái độ tích cực, tinh thần xây dựng, hàng động đúng đắn và kiên trì. Làm được điều đó, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi sẽ làm cho con người mình tốt lên, và tương xứng với công sức bạn bỏ ra, thành quả bạn thu được sẽ không làm bạn thất vọng.

    Để làm được những việc trên, chúng ta cũng cần tập cho mình một thói quen giống như nhân vật Nhanh Nhẹn và Đánh Hơi trong cuốn sách: đó là luôn rèn luyện, chăm chỉ làm việc, giữ những thói quen tốt, không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã đạt được và lãng quên những gì bạn đã từng làm để có được nó. Bạn sẽ rất khó khăn khi bắt đầu lại từ đầu đấy. Đây cũng chính là ý nghĩa thứ hai tôi rút ra từ  cuốn sách, không ngủ quên trên chiến thắng, luôn rèn luyện mình và luôn đi tìm những điều mới mẻ.

    Đây là những cảm nhận của tôi về cuốn sách. Còn bạn thì sao? Cảm nhận của bạn là gì? Bạn có muốn một lần thử thay đổi thói quen của mình không? Hãy một lần gạt bỏ những lý do bạn bận rộn, bạn mệt mỏi, bạn còn nhiều việc khác để làm, và không còn thời gian để đọc sách. Bạn thử xem, sẽ không quá tệ và có thể bạn cũng sẽ như tôi, tiếp tục khám phá thêm những cuốn sách mới.

    Chúc bạn luôn tìm được niềm vui trong cuộc sống và trên những trang sách.

  • Vũ Thanh Loan:

    “Cà phê cùng Tony” – có lẽ như chính tên tựa đề của cuốn sách, có chút vị đắng, có chút vị ngọt lắng đọng như những giọt cà phê trong từng trang sách. Cuốn sách là tập hợp các bài viết được đăng tải trên mạng xã hội của Tony Buổi Sáng, một cái tên không xa lạ với các bạn trẻ.

    Chính giọng văn châm biếm, hài hước mang hơi hướng “ngôn ngữ mạng” đã khiến những câu chuyện của Tony chạm được đến người đọc một cách gần gũi nhất. Khi đọc những dòng viết của tác giả, chắc không ít người đã phải bật cười bởi những mẩu truyện anh chàng chia sẻ chẳng khác gì những mẩu truyện cười. Lối viết châm biếm nhưng đầy tinh tế đã tạo ra một cách viết mang thương hiệu Tony, khiến người đọc cảm giác như những câu chuyện anh viết là những gì mình đã và đang trải qua.

    Chính tác giả cũng đã chia sẻ: Tony có thể là bạn, là tôi hoặc có thể là không ai cả. Đọc “Cà phê cùng Tony” để cùng nhìn lại bản thân mỗi chúng ta và hướng ra thế giới phẳng với những kinh nghiệm, chia sẻ từ một người anh, một người bạn đi trước. “Cà phê cùng Tony” không dành cho riêng ai, cho dù bạn là một người trẻ đầy nhiệt huyết đang loay hoay tìm bản ngã của bản thân trước ngưỡng cửa mở ra đại dương mênh mông bên ngoài, hay chỉ đơn giản là muốn tìm một chút tiếng cười châm biếm nhưng đầy nghiền ngẫm trong những câu chuyện bình dị vẫn diễn ra xung chúng ta hàng ngày.

Châm ngôn hay

  • Mục tiêu là cỗ xe chuyên chở chúng ta qua những đoạn đường thử thách mà từ đó ta lớn lên. Chúng ta luôn cần mục tiêu, không phải vì cái chúng đem lại cho ta mà vì cái chúng làm cho ta.

    -- Andrew Matthews --

  • Trong chuyến hành trình của cuộc đời, có hai điều quan trọng bạn cần cân nhắc, một là bạn có đủ ý chí để đi đến cuối con đường, và hai là khi đến cuối con đường, bạn có đủ dũng cảm bước vào lối rẽ để đi tiếp hay không?

    -- Minh DeltaViet --